Trước những tin đồn cho rằng vụ cháy chung cư mini 10 tầng ở phố Khương Hạ,ườitrọkhổvớibiệnphápchốnghỏahoạnnửavờxsst phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, do chập xe đạp điện, chủ dãy trọ 30 phòng ở phường Khương Thượng của Ngọc Hân (29 tuổi) lập tức ra quy định giới hạn giờ sạc xe đến 23h.
Chủ trọ tuyên bố, trong trường hợp nguyên nhân cháy được xác định do xe điện, phương tiện này buộc phải di dời khỏi nơi ở để đảm bảo an toàn.
Khi kết luận của cơ quan chức năng khẳng định nguồn cháy do chập điện xe máy, Ngọc Hân tưởng đã yên nhưng hôm 19/9, cô cùng bốn người đi xe điện bất ngờ nhận thông báo: mang xe ra ngoài hoặc chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Theo lời chủ trọ, đây là yêu cầu của cơ quan công an, "buộc phải chấp hành dù không muốn". Toàn bộ hệ thống điện tầng một bị ngắt, Hân không còn chỗ sạc xe phải đặt xe ôm đi làm.
Ngày 25/9, cô gái đành chi gần 20 triệu đồng để mua xe máy, khi liên tục bị chủ trọ gọi nhắc nhở. Trong khi đó, một số hàng xóm của Hân quyết định chuyển đi bởi thấy yêu cầu vô lý hoặc không đủ điều kiện đổi xe.
"Họ (chủ trọ) yêu cầu di dời xe điện để đảm bảo an toàn, nhưng các biện pháp phòng cháy, cứu hộ cơ bản như sắm thang dây, bình cứu hỏa tại lối thoát hiểm và nhà để xe không có, chuồng cọp vẫn kiên cố, đường dây điện không được kiểm tra định kỳ. Cư dân nhiều lần thắc mắc nhưng không được phản hồi", Hân nói.
Không cấm xe đạp điện, nhưng từ giữa tháng 9, xóm trọ của Thành Trung (20 tuổi) ở quận Cầu Giấy, ra quy định chỉ sạc phương tiện đến 22h, nếu muốn sạc thêm phải có người trực, các phòng cũng phải chuyển từ bếp ga sang bếp điện, người nào vi phạm phải nộp phạt 500.000 đồng một lần, quá ba lần sẽ bị đuổi và mất cọc nhà.
"Nhưng ai có thể ngồi cả đêm để trông xe điện, rồi bỏ cả triệu đồng mua bếp điện kèm bộ nồi, chảo?", Trung nói. Nam sinh viên dự định khi hết hợp đồng vào tháng 11 sẽ chuyển đi. Trong thời gian này, anh mua cơm hộp ăn hàng ngày vì không được nấu bếp ga, riêng việc sạc xe vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết.
Bên cạnh đó, một số chung cư mini không đáp ứng đủ yêu cầu phòng cháy chữa cháy cũng phải dừng hoạt động để bổ sung, khiến khách trọ rơi vào cảnh bơ vơ.
Tối 20/9, Việt Quốc (22 tuổi) người đang thuê trọ tại chung cư mini trên phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy bất ngờ nhận thông báo toàn bộ cư dân phải dọn ra ngoài trước ngày 24/9. Nguyên nhân là tòa nhà không đảm bảo các quy định về phòng chống cháy nổ.
Chủ trọ khẳng định sẽ trả lại cọc cùng tiền nhà 6 ngày cuối tháng 9. Riêng các trường hợp không tìm được trọ, có nguyện vọng tiếp tục thuê khi đã đủ các thiết bị phòng cháy, sẽ được hỗ trợ tìm chỗ ở tạm thời, nhưng chưa rõ địa điểm. Thông tin này khiến nhiều cư dân hoang mang, đặc biệt là các hộ gia đình có con nhỏ bởi làm đảo lộn cuộc sống.
"Tuân thủ các quy định phòng cháy chữa cháy là điều cần thiết, nhưng ngay từ đầu nếu chủ trọ lắp đặt theo đúng quy định, người thuê như tôi không rơi vào cảnh có nhà mà không được ở", Quốc kể.
Hiện tại, chàng trai ở nhờ nhà bạn và đếm từng ngày chung cư mini hoạt động trở lại.
Chị Bích Ngọc (37 tuổi) đang trọ ở phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) lên kế hoạch chuyển chỗ ở. Hôm 22/9, chị cùng hàng trăm người cùng khu trọ bất ngờ nhận được thông báo: Chuyển toàn bộ xe máy ra khỏi tầng một của khu chung cư mini để phòng chống cháy nổ theo quy định của quận. Ngày hôm sau, bí thư quận Thanh Xuân Bùi Huyền Mai khẳng định quận chỉ vận động di dời xe máy, xe đạp điện khỏi tầng hầm chung cư mini tới bãi trông giữ, không có chuyện cưỡng chế.
Dẫu vậy, chị Bích vẫn thấp thỏm. "Có lẽ tôi phải tính phương án thuê chung cư, giá cao hơn nhưng được tự do để xe dưới hầm chứ không biết lúc nào các quy định lại thay đổi", chị nói.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định việc từ chối nhận khách thuê trọ có xe đạp điện vào ở hay yêu cầu di dời phương tiện ra khỏi các chung cư mini, tòa nhà nhiều căn hộ là không khả thi. Theo ông, cơ sở hạ tầng tại các quận nội thành không thể đáp ứng nhu cầu xây dựng một bãi gửi xe công cộng có sức chứa lớn. Bên cạnh đó, việc không nhận xe điện cũng tồn tại nhiều bất cập, trong khi vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khác.
"Làm gì cũng phải lấy người ở làm trung tâm. Cần có giải pháp để đảm bảo an toàn chứ không phải đơn giản là đưa ra các lệnh cấm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân", ông Nghiêm nói.
Cũng theo ông, thay vì giải quyết từ ngọn, khúc mắc ở đâu xử lý ở đó nhưng không triệt để, cơ quan quản lý cần nghiên cứu các biện pháp phòng cháy chữa cháy an toàn, hợp tiêu chuẩn ngay tại các khu dân cư như xây dựng lối thoát hiểm, kiểm tra hệ thống đường điện. Các cấp chính quyền cần giám sát việc xây dựng các công trình theo đúng quy chuẩn ngay từ đầu, giảm thiểu tối đa khó khăn, bất cập không đáng có, tránh làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
Từng chia sẻ trên VnExpress, trung tá Phạm Thanh Tâm, Phó đội trưởng PCCC&CHCN khu vực 2, Hà Nội cho biết việc tách riêng khu vực cho xe điện tại những nơi giữ xe là cần thiết để giảm rủi ro cháy nổ. Xe điện có thể không phải nguồn phát cháy, nhưng khi cháy sẽ là tác nhân làm vụ cháy thêm nghiêm trọng, nên cần khoanh vùng riêng.
Ông Tâm nói thêm lo lắng của người dân về an toàn là cần thiết, nhưng không nên thái quá, bởi "nếu ai cũng cấm, người dùng biết sạc ở đâu".
Để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của khách thuê trọ và công việc kinh doanh, anh Hữu Tùng (47 tuổi), chủ một chung cư mini 8 tầng với hơn 30 phòng tại quận Thanh Xuân, cho biết ngay khi xây dựng đã cho lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy chuyên dụng tại các tầng, cắt chuồng cọp trong từng phòng, không nhận khách có xe điện. Sau vụ cháy đêm 12/9 ở phố Khương Hạ, anh sắm thêm thang dây, tổ chức tập huấn các kỹ năng chữa cháy và thoát nạn cho cư dân.
"Ngoài các quy quy định chống cháy theo luật định, tôi cũng chủ động lập ra một số yêu cầu và báo trước cho khách, nếu chấp thuận mới làm hợp đồng. Tôi không muốn mỗi ngày phải ra một quy định mới, vừa mệt mình khi phải giải thích, khách ở trọ thấy bất tiện mà bỏ đi", người chủ trọ nói.
Quỳnh Nguyễn